Tết Trung Thu nơi làng quê trong ký ức cậu bé Sài thành. Nếu hỏi tôi rằng, chuyến đi nào khiến bạn ấn tượng nhất? Tôi sẽ không ngại mà nói rằng đó là chuyến về thăm quê ngay dịp Trung Thu cùng ba năm tôi lên 9. Bởi chuyến đi ấy không chỉ giúp tôi được về với ông bà mà còn giúp tôi lần đầu tiên biết được Trung Thu ở làng quê lại thú vị và tuyệt vời đến thế.
Tôi được về quê trong một ngày trung tuần tháng 9, nếu tôi nhớ không lầm thì ngày ấy chỉ cách Trung Thu chỉ còn hai hôm. Tôi còn buồn rầu vì không được ở nhà ăn bánh với anh hai. Thế nhưng, mọi ưu phiền của tôi trôi đi nhanh chóng khi đặt chân đến đầu làng và được bọn trẻ trong xóm chào đón nhiệt liệt.
Ở nông thôn là vậy, người ta sống với nhau bằng tình cảm chân thành tròn trịa như trăng đêm rằm. Và con nít cũng vậy, chúng chẳng ngần ngại lân la đến làm quen với một đứa mặt mày nhẵn nhụi, trắng trẻo và lôi kéo vào những trò chơi của tụi nó.
Chỉ kịp để bà ôm hôn, xoa đầu vài cái đã bị tụi nó kéo ra bờ tre, ra đến đầu ngõ còn nghe văng vẳng giọng bà mắng yêu. “Tổ cha chúng bây, đừng có mà phá làng phá xóm đấy”.
Lúc bấy giờ tôi chưa hiểu phá làng phá xóm trong câu nói của bà, nhưng khi ra đến bờ tre chứng kiến cả chục đứa lúc nhúc, hý hoáy với nào tre, nào dao cùn, nào dây,… thì tôi đã nhận ra vài điều. Chúng nó chặt tre làm gì đó trông rất nham nhở, có cây tre bị chúng hành hạ vì to quá không sao kéo ra được thế là chúng nó bổ thêm vài trăm nhát cho đứt một đoạn và lôi ra, mặt thằng Tí trông buồn cười với đoạn tre cầm trên tay, như một “chiến tích lẫy lừng” thằng Tí giơ cao cười hả hê làm lộ rõ hai cái răng cửa vừa thay thấy một khoảng trống lớn.
Bọn chúng nó bảo: “Cái này gọi là “chiến dịch lồng đèn”, bọn tau chuẩn bị từ mấy hôm trước rồi, hôm nay nể tình mày là cháu bà Tư hay cho bọn tau đào khoai lang nên bọn tau cho mày vào hội”. Rồi thằng Tí hướng dẫn cả bọn chặt chặt, vót vót, bó bó, cột cột, dán dán đủ mọi kiểu.
Sau một ngày trời vật vã, có đứa tay còn chi chít vết cắt nhỏ của tre, của dao, có đứa mệt lã nằm luôn xuống đất. Thế nhưng cầm cả chục cái lồng đèn ông sao chia đều cho mỗi đứa, mắt đứa nào đứa nấy sáng lên trông thấy và ánh lên một niềm háo hức không đong đếm được. Tôi cũng được chia một chiếc, chiếc này tôi không vót tre được nhưng lại cột và dán giấy theo sự “chỉ đạo” của thằng Tí.
Sau khi chia phần xong, chúng tôi ra về và hẹn nhau tối nay “tập dượt” đốt đèn. Thế là đang dở chén cơm trên tay với miếng đậu kho ngon không kể xiết của bà đã nghe tiếng thằng Tí í ới ngoài cổng. Và thêm vội miếng cơm, tôi xin phép ông bà và bố đi chơi với chúng nó nhưng cũng không quên chiếc lồng đèn lúc chiều thằng Tí đưa. Không biết tụi nó lấy đâu ra nhiều đèn sáp đỏ đến vậy, chắc là ăn trộm của ba mẹ. Vì dưới quê hay cúp điện bất thình lình nên người lớn đều dự trữ sẵn đèn sáp.
Đặt đèn sáp vào chính giữa chiếc lồng đèn, bọn nó đứa nào đứa nấy cười vang có vẻ thán phục thành quả của mình lắm. Đối với tôi, thành phố không thiếu những chiếc lồng đèn này, thậm chí đẹp hơn cả chục lần. Thế nhưng, cầm trên tay chiếc lồng đèn tự tay mình làm trong tiếng cười trong trẻo của bọn trẻ tôi lại thấy mình chưa bao giờ có một chiếc lồng đèn đẹp đến vậy. Xoay đủ vòng đủ kiểu, chúng nó lại sợ đèn cháy hết nên bảo phải thổi đi để dành mai đi rước đèn được lâu.
Sau khi thử lồng đèn, chúng tôi lại họp nhau. Ngày mai mỗi đứa phải mang theo một món để phá cỗ. Có lẽ đây là thường lệ của bọn nó nên chẳng thấy có đứa nào hỏi han gì thêm. Chia tay nhau trong niềm háo hức chờ đợi ngày mai nhanh đến. Tôi lại thấy mong chờ Trung Thu hơn bao giờ hết.
Bao chờ đợi cũng đến, mấy đứa nhỏ sau khi đi học về đã chạy khắp xóm. Thấy đứa bọc ổi, đứa hái khế, đứa chặt mía,… Bởi có sẵn mấy gói kẹo mẹ gói từ trước nên tôi không phải chuẩn bị thêm gì. Nhưng bà lại chuẩn bị khoai mì để làm bánh rán cho cả bọn.
Trời chưa sẩm tối, đã nghe tiếng trống đầu làng, phải chăng đó là tín hiệu tập hợp của “đoàn quân nhỏ” với chiến dịch lồng đèn mà bọn nó đã tự giác chạy ra chờ đoàn lân. Tôi bọc theo ba gói kẹo, đĩa bánh của bà và không quên chiếc lồng đèn của mình. Chạy ra tập hợp chúng nó chỉ mới nghe mùi bánh rán nên đã đòi mỗi đứa một cái chứ chưa kịp khám phá túi thứ hai với mấy bọc kẹo đầy. Mỗi đứa một tay cầm chiếc bánh nhâm nhi, một tay cầm lồng đi vào đám múa lân. Vừa đi vừa kể về chiếc lồng đèn của tụi nó với đứa khác, đôi lúc lại nghêu ngao hát, có lúc hứng quá chúng nó chạy theo ông địa lấy tiền phụ khi bị chủ nhà giấu ở một góc khuất.
Khi chơi chán cũng là lúc trăng lên cao, chúng tôi kéo nhau về bờ tre để phá cỗ. Nào ổi, nào xoài, nào khế, nào mía, nào xôi đậu, nào bưởi,… đủ thể loại được chúng nó bày ra. Chúng nó chợt reo to như vừa bắt được điều gì lớn lắm khi thấy tôi mang ra mấy bọc kẹo to đùng. Tôi chưa bao giờ thấy biết ơn mẹ như lúc này vì những gói kẹo khiến tôi được “nở mày nở mặt” với bọn trẻ. Chúng tôi chia nhau mỗi người một ít, vừa ăn vừa kể chuyện. Chúng nó kể cho tôi chuyện thằng Tí đi chặt mía của bà Chín bị chó rượt, kể chuyện con Tủm bị rơi xuống mương lúc cố vớt hái mấy trái chùm ruột,… Rồi chúng nó thi nhau hỏi chuyện tôi ở thành phố, kể về chiếc tàu lửa dài cả chục toa, kể về đèn xanh đèn đỏ trên đường phố khiến bọn nó háo hức vô cùng. Không gian yên tĩnh của đồng quê liên hồi bị xáo động bởi những tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên vô cùng.
Sang ngày thứ ba ở nhà ông bà tôi nghe ba nói với bà là trưa nay phải đưa tôi về lại thành phố để kịp đi học. Nghe vậy mà lòng tôi buồn rười rượi, buồn hơn lúc phải theo ba về đây. Tôi xin ba đợi thêm chút nữa để bọn thằng Tí đi học về và tạm biệt tụi nó. Đợi ở cổng nhà bà khi bọn thằng Tí về. Cầm thêm gói kẹo tôi giữ lại để ăn trong lúc ngồi xe đưa cho cả bọn “Chúng mày chia nhau, tau về lại thành phố rồi”. Có kẹo trong tay mà mặt chúng nó xị xuống khiến lòng tôi thêm buồn. “Mày về năng xuống chơi với bọn tau nghe, rồi năm sau mình rước đèn nữa!”. Gật đầu vài cái rồi chạy vào nhà vì sợ nước mắt rơi, tôi thấy lòng…
Phát Quan
(TP. Hồ Chí Minh)
Email: peterguan95g@gmail.com
Bài dự thi “CHIA SẺ KÝ ỨC TRUNG THU, NHẬN NGAY VÉ MÁY BAY ĐI DU LỊCH“